Tất tần tật về Terrarium - Nghệ thuật trồng cây tiểu cảnh

Tiny Garden Tác giả Tiny Garden 19/07/2024 36 phút đọc

 

terrarium-1-1

Tiểu cảnh Terrarium hay còn được gọi là nghệ thuật trồng cây trong bình đang trở thành xu hướng của giới trẻ Việt Nam. Loại hình này không chỉ mang tính nghệ thuật mà còn từ sự sáng tạo của mỗi người chơi Terrarium. Vậy điều gì khiến cho hệ sinh thái Terrarium trở nên ưa chuộng tới vậy, hãy cùng Tiny Garden tìm hiểu chi tiết ở bài viết sau.  

1. Terrarium là gì?  

Terrarium là thuật ngữ tiếng Latinh thường sử dụng để chỉ một hệ sinh thái thu nhỏ được mô phỏng lại môi trường tự nhiên như đất cát, nguồn nước, không khí, sỏi đá, thực vật hay có thể nuôi cả động vật nhỏ trong đó. Một cách đơn giản và dễ hiểu hơn về hệ sinh thái Terrarium là “trồng cây trong bể thủy tinh”.  

Terrarium thường được đặt bên trong các đồ vật bằng thủy tinh với những hình dạng, kích thước hay mức độ khép kín khác nhau. Hệ sinh thái thu nhỏ này có thể được sử dụng để trang trí, trưng bày hoặc thử nghiệm môi trường sống trong quá trình nghiên cứu khoa học.  

2. Cấu tạo của hệ sinh thái Terrarium  

Hệ sinh thái Terrarium có bốn lớp cơ bản bên trong gồm lớp đáy, lớp giữa, lớp giá thể (lớp nền) và hệ thực vật ở trên cùng. Các nguyên liệu Terrarium sẽ được chọn lựa tùy theo sự thuận tiện và nhu cầu cá nhân của mỗi người. 

terrarium-2
Hệ sinh thái Terrarium gồm 4 lớp cấu thành cơ bản  

2.1. Lớp đáy  

Thông thường, Terrarium sẽ không có lỗ thoát nước như những chậu cây cảnh khác. Vậy nên, chúng ta cần phải lót một lớp thoát nước dưới đáy để nước không bị đọng lại trên lớp giá thể gây úng rễ cây trồng. Lớp dưới cùng của bình Terrarium có thể sử dụng sỏi, than đá,… để tạo thành, tuy nhiên dùng sỏi sẽ phổ biến hơn bởi nó rất thoáng khí và dễ tìm ở mọi nơi.  

2.2. Lớp giữa  

Lớp giữa có thể làm bằng lưới, dớn hay than hoạt tính,... và được chèn trên lớp đáy có tác dụng ngăn cách lớp nền phía trên với lớp đáy. Lớp này giúp lọc bụi bẩn khi tưới nước và ngăn lớp giá thể tiếp xúc trực tiếp với nước còn đọng lại ở dưới đáy.  

2.3. Lớp giá thể  

Tiếp theo là lớp giá thể hay còn gọi là lớp nền dùng để trồng và nuôi dưỡng hệ thực vật, lớp này thường là rêu than bùn, đất đá hay xơ mùn dừa,…Nguyên liệu Terrarium làm giá thể sẽ tùy thuộc vào loại cây muốn trồng, tuy nhiên bạn nên ưu tiên loại chất nền thoáng và có độ tơi xốp để giúp rễ cây dễ thở cũng như ngăn ngừa thối rễ hay hạn chế các vi khuẩn gây nấm mốc.  

2.4. Hệ thực vật  

Lớp trên cùng chính là hệ thực vật bao gồm rêu hoặc cây cối. Việc lựa chọn rêu rất đơn giản, có vô số loại rêu đẹp và dễ trồng như rêu Java, rêu Flame, rêu Pelia,... Về cây cảnh bạn có thể lựa chọn một số loại cây dễ trồng và mọng nước như cây sen đá, xương rồng hay dương xỉ, lưỡi hổ,... bởi chúng có sức sống mãnh liệt ở mọi môi trường và tuổi thọ cao.  

3. Terrarium có những loại nào?   

Hệ sinh thái Terrarium có 2 loại là Terrarium mở và Terrarium kín  

3.1. Hệ sinh thái Terrarium mở (Open Terrariums)  

terrarium-3
Terrarium mở có môi trường thoáng khí và không khép kín  

Terrarium mở hay còn được gọi là Open Terrariums, đây là hệ sinh thái không khép kín với thế giới bên ngoài. Loại này sẽ có xu hướng phổ biến với những người mới chơi với nhiều môi trường và loài thực vật đa dạng. Tuy nhiên, loại mở này sẽ không thích hợp để nuôi động vật bên trong bởi chúng sẽ dễ dàng thoát ra ngoài.  

Trong quá trình chăm sóc Terrarium mở đòi hỏi phải đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, độ ẩm cũng như ánh sáng, nhiệt độ và sự thoáng khí phù hợp để thực vật bên trong có thể sinh sống, phát triển toàn diện.  

3.2. Hệ sinh thái Terrarium kín (Closed Terrariums)  

terrarium-4
Mẫu Terrarium kín với đầy đủ yếu tố cần thiết cho sự phát triển của động thực vật  

Terrarium kín khác hoàn toàn Terrarium mở, đây là hệ sinh thái khép kín và chứa gần như đầy đủ tất cả các yếu tố cần thiết cho sự phát triển của thực vật và động vật. Thường thì loại hình này phù hợp trồng các cây như rêu hay dương xỉ vì chúng không cần quá nhiều ánh sáng, người chơi Terrarium còn có thể nuôi thêm các loại bò sát hoặc sâu bướm, cá cảnh,...  

Hỗn hợp đất phổ biến cho các Terrarium kín sẽ gồm than bùn, sỏi, xỉ than, đá Vermiculite, đá perlite, đá núi lửa giúp tạo sục khí hoặc than hoạt tính để lọc nước, loại bỏ độ ẩm, khử mùi, ngăn ngừa nấm mốc và rêu giúp giữ ẩm.  

Ngoài ra, loại hình này phải có sự chăm sóc thường xuyên của người chơi Terrarium để đảm bảo toàn bộ hệ sinh thái luôn được phát triển bình thường. Trong trường hợp có nhiều hơi nước ngưng tụ, người chơi cần mở nắp bình để thoát hơi, hoặc nếu không thấy hơi nước ngưng tụ hay cây bị héo dần thì cần cung cấp thêm nước cho hệ sinh thái.  

>>>Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn chi tiết cách làm Terrarium cho người mới bắt đầu

4. Cách chăm sóc Terrarium  

4.1. Về nguồn ánh sáng  

- Nên đặt ở nơi có nguồn ánh sáng cố định, có thể sử dụng các loại đèn LED 3w, 5w,...hoặc dùng đèn bàn học.  

- Chiếu sáng mỗi ngày từ 6 - 8 giờ, có thể sau 2 giờ tắt 1 lần  

- Ánh sáng cần được chiếu đều lên tất cả các cây trong hệ sinh thái, đặc biệt là rêu   

4.2. Về nhiệt độ  

- Cần đặt ở vị trí có nhiệt độ thoáng mát và ổn định nhiệt độ  

- Không nên đặt ở môi trường có không khí quá nóng bởi nó có thể làm cây khô héo  

4.3. Về độ ẩm  

- Xịt phun sương ướt đều lên toàn bộ cây trong bình, đặc biệt là rêu gần miệng bình để giữ ẩm hệ sinh thái.  

- Lượng hơi nước trong hệ sinh thái Terrarium cần được theo dõi để cớ thể cung cấp độ ẩm kịp thời. Nếu rêu hơi khô hoặc không thấy có nhiều hơi nước ngưng tụ thì có thể phun, trung bình 1-2 lần/tuần.  

- Mỗi tuần bạn nên mở nắp khoảng 2-3 lần trong vòng 10 phút để không khí trong bình có thể lưu thông và giúp hạn chế độ ẩm quá mức cũng như ngăn ngừa sự xuất hiện của nấm mốc.  

terrarium-5
Cần đặt Terrarium ở nơi có ánh sáng cố định và nhiệt độ thoáng mát  

5. Lưu ý khi chọn cây cho hệ sinh thái  

  • Lựa chọn cây có quá trình phát triển chậm  

Khi chọn cây cho hệ sinh thái, bạn nên lựa chọn những loại cây có quá trình phát triển chậm, điều này sẽ giúp cho Terrarium luôn giữ được vẻ đẹp và tính thẩm mỹ tổng thể.  

  • Xét xét kĩ kích thước của lá  

Bạn cần lưu ý tới kích thước của lá khi muốn lựa chọn nhiều loại cây khác nhau trong cùng một hệ sinh thái Terrarium. Sự chênh lệch về kích thước của lá quá nhiều sẽ khiến cây có lá lớn hơn chặn mất ánh sáng của những cây lá nhỏ khiến chúng bị thiếu đi ánh sáng và dần mất đi sự sống.  

  • Lựa chọn cây đối với Terrarium kín  

Việc lựa chọn cây ưa ẩm như cây Dương xỉ, cây Fittonia (lá may mắn) hay Trầu Bà,.. để trồng trong Terrarium kín là một lựa chọn tối ưu. Khi được nuôi dưỡng trong môi trường kín sẽ giúp những loại cây này được cấp ẩm tốt hơn và cũng giúp hạn chế thời gian tưới do trong môi trường kín có độ ẩm cao hơn hở.  

  • Lựa chọn cây đối với Terrarium hở  

Nhóm cây có độ mọng nước cao như sen đá hay xương rồng vô cùng thích hợp đối với loại Terrarium hở bởi chúng có thể dễ dàng thích nghi với khí hậu khô hạn. Nếu những loại cây này trồng trong môi trường kín với độ ẩm cao sẽ dễ khiến cây bị úng nước gây tình trạng thối rữa.  

6. Một số thiết kế Terrarium đẹp và độc đáo  

6.1. Aquaterrarium  

terrarium-6
Mẫu Aquaterrarium với sự kết hợp một phần dưới nước cùng một phần trên cạn  

Aquaterrarium là mẫu Terrarium được thiết kế bao gồm một phần ở dưới nước và một phần ở trên cạn. Loại hình này đã được một số nhà sinh vật học và nhà sưu tập sáng tạo ra từ rất sớm dùng để nuôi các loại động vật như rùa, cá sấu,... do những loài này vừa có thể sống trên cạn và cả ở dưới nước.  

6.2. Paludarium  

terrarium-7
Mẫu Paludarium với hình dáng một đầm lầy thu nhỏ  

Paludarium là được mô phỏng theo hình dáng của đầm lầy hay thường được gọi là hồ bán cạn. Mẫu này có điểm đặc trưng từ những loại thực vật sống bán cạn với lượng nước ít. Ngoài ra, người chơi Terrarium còn có thể nuôi các loài động vật lưỡng cư hoặc côn trùng trong đó.  

6.3. Riparium  

terrarium-8
Mẫu Riparium với hình ảnh mô phỏng lại một đoạn nhỏ bờ sông   

Trong ngôn ngữ Latinh, Ripa được hiểu là bờ sông. Chính vì vậy, Riparium có thể được hiểu là hệ sinh thái thu nhỏ của một đoạn bờ sông. Điểm đặc trưng của hình mẫu này là các loại thực vậy có rễ rất dày và hàm lượng nước trong đó khá lớn (thường trên 50%).  

6.4. Rivarium  

terrarium-9
Mẫu Rivarium với hệ sinh thái tương tự một đoạn sông suối với nhiều sỏi đá  

Rivarium là hình mẫu Terrarium mô phỏng theo một đoạn sông suối trong đó có rất nhiều sỏi đá và một mức độ nước thấp. Loại cây thường được trồng trong hệ sinh thái này thường là các loại cây bán cạn, ngoài ra còn có thể nuôi thêm các loài động vật thuỷ sinh.  

6.5. Desertterrarium  

terrarium-10
Hệ sinh thái Desertterrarium với hình dáng một sa mạc thu nhỏ  

Mẫu Desertterrarium này được mô phỏng theo sa mạc, chính vì vậy lớp nền của hệ sinh thái này thường là cát sâu hoặc hỗn hợp đất sét và cát. Terrarium sa mạc thường có rất ít thực vật, loại cây trồng trong đó thường là các giống cây mọng nước như xương rồng, sen đá,…  

6.6. Forestterrarium  

terrarium-11
Forestterrarium với hình ảnh mô phỏng lại một khu rừng   

Forestterrarium hay còn được gọi là Terrarium rừng là một hệ sinh thái thu nhỏ mô phỏng lại hình ảnh một khu rừng hoặc một phần rừng. Loại hình mẫu này được coi là hình thức chuyển tiếp giữa rừng mưa nhiệt đới sang hồ cạn khô.  

6.7. Rainforest Terrarium  

terrarium-12
Hình ảnh khu rừng mưa nhiệt đới thu nhỏ mang tên Rainforest Terrarium  

Rainforest Terrarium được mô phỏng lại môi trường sống của thực vật và các loài động vật ở khu vực của rừng mưa nhiệt đới.  

6.8. Steppeterrarium  

Steppeterrarium là hệ sinh thái Terrarium được tái hiện lại một thảo nguyên khô. Hình mẫu này cũng được coi là sự chuyển tiếp giữa sa mạc và hồ cạn savan.  

6.9. Savannaterrarium  

terrarium-13
Mẫu Savannaterrarium với nhiều loại thực vật với trảng cỏ xen lẫn các loại cây bụi  

Savannaterrarium mô phỏng lại cảnh quan với trảng cỏ xen lẫn với nhiều loại cây bụi. Mẫu Terrarium này còn có thể thiết kế thêm nhiều loài thực vật như bụi gai nhỏ với thân hóa gỗ hay cây bụi ôn đới,.. và các loại đá khác.  

6.10. Penguinarium  

terrarium-14
Mẫu Penguinarium với hình ảnh mô phỏng lại Nam cực với những chú chim cánh cụt  

Penguinarium sẽ được mô phỏng lại môi trường Nam cực với các loài sinh vật chủ yếu như chim cánh cụt, gấu trắng hay cá voi sát thủ,... Thông thường, loại hình mẫu này sẽ được trưng bày tại các vườn thú hoặc nơi có hoạt động kinh doanh.  

>>Tìm hiểu thêm: Top 15+ ý tưởng mẫu Terrarium đẹp và độc đáo không nên bỏ qua

Hy vọng bài viết trên của Tiny Garden sẽ giúp bạn hiểu hơn về loại hình  Terrarium và có thể tự lựa chọn được mẫu tiểu cảnh phù hợp với sở thích cũng như không gian sống. Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều phụ kiện tiểu cảnh hay tượng trang trí với thiết kế độc đáo cho ngôi nhà của mình tại Tiny Garden nhé.  

Tiny Garden
Tác giả Tiny Garden Admin
Tiny Garden là thương hiệu chuyên cung cấp sỉ phụ kiện tiểu cảnh chất lượng cao, là địa chỉ quen thuộc với các cửa hàng cây cảnh trên cả nước.
Bài viết tiếp theo

Khay gỗ đựng mứt tết: Nét đẹp văn hoá Tết người Việt

Khay gỗ đựng mứt tết: Nét đẹp văn hoá Tết người Việt
Viết bình luận
Thêm bình luận

Bài viết liên quan

Thông báo

Tiny Garden
098 5577 068
098 5577 068