Vì sao sen đá mới trồng đã chết?

Bạn cũng giống tôi một thời băn khoăn vì sao sen đá lại chết? Trong khi tất cả mọi người đều nói “sen đá vô cùng dễ trồng”, “không chăm vẫn sống tốt”… Vậy mà bạn đem về chăm bẵm chúng cẩn thận theo đúng hướng dẫn tưới nước 2 lần một tuần, chúng vẫn chết? Lá cứ rụng dần rồi cây “ra đi” hẳn mà không rõ lý do? Buồn mà không biết phải hỏi ai?

Sen đá chết
Sen đá chết

Giờ tôi ở đây để cùng bạn chia sẻ về mối quan tâm này. Đừng vội căng thẳng, vì không chỉ có sen đá của bạn chết, cũng có rất nhiều người đang trong hoàn cảnh giống bạn, bao gồm cả tôi lâu lâu về trước.

Trước hết tôi và bạn cùng nhắc lại câu chuyện về sen đá.

Người Việt mình hay gọi sen đá là hoa đá. Vì chúng có vẻ đẹp như những bông hoa, nhưng lại không hề nhanh tàn. Tên khoa học của chúng là Succulent, thuộc vào bộ cây mọng nước. Tất cả những cây như sen đá, lô hội, xương rồng… đều là những loài có đặc tính tương đối giống nhau.

Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao chúng lại tích trữ nước trong mình không? Cũng giống như con người thiếu gì thì lo đấy, sen đá sống ở vùng sa mạc, bán sa mạc, nơi có nhiệt độ cao đồng thời khí hậu vô cùng khắc nghiệt, khô hạn kéo dài. Chính thế mà chúng phải giữ nước trong mình.Tùy vào từng loại mà chúng có thể sống mà không cần tưới nước trong vòng 7 đến 30 ngày. Loài cây mà chúng ta yêu thích quả là kì diệu phải không?

Sen đá ngoài tự nhiên
Sen đá ngoài tự nhiên

Dựa vào nguồn gốc xuất xứ của chúng mà ta hoàn toàn có thể kết luận rằng sen đá là loài có khả năng chịu đựng được điều kiện tự nhiên “khắc nghiệt”. Nói như vậy không có nghĩa hơn 300 giống loài họ nhà sen đá đều có khả năng chịu được nóng, chịu khô, chịu hạn như nhau. Vị trí địa lý, nơi loài sen đá sinh ra quyết định đến khả năng sinh tồn của chúng. Hãy tưởng tượng bạn mang sen đá từ vùng lạnh giá của Châu Âu (và dĩ nhiên là chúng chịu được cái rét dưới âm độ C) sang vùng sa mạc vừa khô vừa nóng thì dù bạn có chăm sóc cỡ nào chúng cũng  khó lòng tươi tốt được như dân sen đá “bản địa”. Điều đó đồng nghĩa với việc mỗi loại sen đá là một điều kiện sống và khả năng chịu đựng khác nhau.

Khi sen đá về tới Việt Nam, điều đó có nghĩa là, bạn vừa làm thay đổi môi trường sống thích hợp nhất của chúng. Phải bù đắp ra sao để sen đá cảm thấy như đang ở chính đất mẹ của mình thì điều đó là một thành công lớn.

Sen đá
Sen đá

Còn nếu bạn chưa thể làm vậy thì hãy chọn loài sen đá phù hợp nhất với điệu kiện thời tiết nơi bạn sinh sống để có thể chăm sóc chúng dễ dàng hơn.

Suy cho cùng sen đá chết vẫn là cho “bọn mình”

Sen đá dường như “bất tử” ở nơi chúng sinh ra, cây này héo úa lại có cây con mọc lại. Nên nếu sen đá có chết cũng là do “bọn mình” đã đưa chúng tới một nơi không thích hợp hoàn toàn với bản năng tự nhiên vốn có của loài.

Tiếp đến là do “bọn mình” chưa thực sự nắm bắt được đặc tính của sen đá để biết cách trồng sen đá và chăm sóc chúng thật tốt. Dù bạn tỉ mẩn và kĩ càng thế nào nhưng không hiểu được sen đá cần gì thì cây vẫn sẽ chết như thường. Hoặc nếu cây không phù hợp với điều kiện thời tiết thì mọi phương pháp thông thường đều không khiến cây khỏe mạnh được.

Và dưới đây tôi sẽ chia sẻ với bạn, một số nguyên nhân trực tiếp khiến sen đá chết.

Đất trồng không thể thoát nước

Như đã nói ở trên, sen đá có khả năng chịu hạn tốt. Điều đó cũng có nghĩa chúng rất dễ bị úng nước. Vậy mà chúng ta lại trồng chúng vào loại đấy bí, khó thoát nước thì dù có tưới rất ít nước cho cây thì chúng vẫn chào tạm biệt bạn vào một ngày không xa. Ngay sau khi nhập cây từ một nơi khác về, điều đầu tiên phải làm đó là thay đất cho cây. Ở vùng khô ráo thì yêu cầu về đất không quá cao, nhưng với những khu vực nóng ẩm thì đất phải thật sự có khả năng thoát nước tốt. Đó là lý do vì sao mỗi khi nhập sen đá từ nơi xa về việc đầu tiên chúng tôi làm đó là thay đất cho tất cả các cây sen đá với hỗn hợp đất hợp chuẩn. Bao gồm sỉ than, tro trấu, phân bò, sỏi nhỏ,… để tăng không gian cho nước lưu động và thoát ra ngoài.

Đất trồng sen đá
Đất trồng sen đá

Mặc dù dải sỏi lên bề mặt chậu rất bắt mắt nhưng dải quá dày sẽ khiến đất không có khả năng “đổ mồ hôi” cũng khiến nước bị giữ lại làm úng cây. Mọi thứ đều nên ở mức vừa phải và hợp lý, dù bạn có cực kỳ yêu thích cũng đừng quá lạm dụng nhé!

Bạn đã chọn sai chậu cho cây mất rồi

Bạn đã từng trồng sen đá trong bình thủy tinh bao giờ chưa? Chúng là một loại bình vô cùng đẹp mắt, vì thế dù không có lỗ thoát nước nhưng vẫn có rất nhiều bạn trẻ lựa chọn phương pháp trồng Terrarium. Để khắc phục điều đó, ngoại trừ việc có một lớp sỏi dưới đáy bình, người ta còn cho thêm một lớp than hoạt tính giúp chúng hút ẩm tốt và chống lại nấm mốc.

tim treo
Bình Terrarium treo

Còn đối với các loại cốc sứ, chậu nhôm không có lỗ thoát thì là điểm chết đối với các loại sen đá. Tôi gợi ý bạn nên trồng sen đá trong chậu đất vừa đẹp mắt, lại có khả năng thoát nước thần kỳ mà giá thành vô cùng hợp lý. Hoặc bạn chỉ cần lưu ý xem chậu mình mua có lỗ thoát nước hay không là có thể yên tâm hơn phần nào.

Để con nhà giàu cạnh con nhà nông dân

“Con nhà giàu” thường là khó thích nghi được với môi trường sống vậy mà lại để chúng sống chung với lũ vứt đâu cũng được thì làm sao mà cân bằng đây? Sen đá ưa khô, bạn trồng cùng dương xỉ ưa ẩm thì tuyệt nhiên không biết phải thiên vị bên nào. Vậy mà chúng lại nằm trên cùng một chậu. Nếu bạn mix cây, hãy nhờ một người đủ hiểu biết về sen đá lựa chọn giúp những giống có điều kiện thích như tương đối giống nhau, lúc ấy bạn có thể thoải mái mà chăm bẵm chúng theo cùng một phương pháp trên cùng một chậu cây.

Tại Tiny Garden, những combo sen đá mà chúng tôi lựa chọn để mix cùng chậu, luôn đảm bảo giúp bạn chăm sóc được chúng một cách thật dễ dàng.

Chọn sen đá yêu cầu quá cao khi “nhà không có đủ điều kiện”

Khi là người mới chơi sen đá, bạn nên thử chăm những loài có khả năng thích nghi tốt. Đừng nên thấy đẹp mà chọn ngay loại sen đá có màu sắc sặc sỡ, thân mỏng mềm, nhiều phấn… Chúng có khả năng chịu hạn kém, thường chỉ phù hợp với khí hậu tuyệt vời của Đà Lạt, khi đã về tới Hà Nội thì hầu như đều trở nên yếu ớt hơn rất nhiều nếu bạn không có đủ kinh nghiệm để chăm sóc chúng.

Khi đã chăm sóc được nhiều loài sen đá, “nhà đã đủ điều kiện” thì bạn có thể tự tin rước những bông hoa đủ màu sắc về để nâng niu và chăm bẵm.

Sen Đá Bông Hồng Pháp
Sen Đá Bông Hồng Pháp

Cầm tù người đẹp quá lâu

Hãy tưởng tượng bạn đang nhốt một người đẹp trong một nhà tù quá lâu, thì bao nhiêu nét rạng rỡ cùng vẻ tươi tắn cũng đều tan biến. Sen đá cũng vậy, nàng còn là người bản tính thích bay nhảy dưới ánh nắng, vậy mà bạn không chịu đem chúng ra ngoài trời. Lúc mua đặt trên bàn học trong góc phòng, một, hai tháng sau vẫn đề chúng nằm im re ở đấy. Một là sen đá của bạn sẽ vươn dài để tìm ánh sáng, lá thưa mỏng, màu sắc nhợt nhạt thiếu sức sống , hai là chúng đã chết mất rồi.

Không chỉ thế, chúng ta còn lên kế hoạch để tiêu diệt cây sen đá của mình, bằng cách: Trồng cây vào cốc, đất không thoát nước, dải sỏi tí hon lên bề mặt, rồi còn mix lẫn lộn các loại cây,… đặc biệt là bị cách ly với thế giới bên ngoài. Thử hỏi trong điều kiện khắc nghiệt ấy ai có thể sống mà vui vẻ cho được đây? Mà sống cũng là điều may mắn rồi.

Sen đá thiếu nắng
Sen đá thiếu nắng

Chưa hiểu nhau đã vội cưới về

Yêu lắm đấy, thương lắm đấy nhưng mỗi tội chỉ vừa mới quen nhau, thì làm sao lấy về đem tới cho nhau được hạnh phúc? Khó ai cưỡng nổi mình trước cái đẹp, tôi hiểu mà. Nhưng hãy thật sự đảm bảo việc bạn phải hiểu được loài sen đá mà mình định trồng, hiểu chúng cần gì để cung ứng, hiểu chúng thích gì để chăm lo. Còn nếu không, cuộc tình này sớm muộn cũng tan vỡ, nàng sẽ ra đi và không bao giờ trở lại với bạn. Điều đó thật đáng buồn. Đừng vội vàng, mọi thứ đều cần có thời gian để tìm hiểu và mọi thứ sẽ xứng đáng với công sức bạn bỏ ra.

Nấm mốc sâu bệnh

Nói đến sâu bệnh nhưng thực chất vẫn là câu chuyện về độ ẩm của đất và mức độ tưới nước. Khi ẩm quá sẽ dẫn đến nấm mốc phát triển, gây hại cho cây. Hoặc cây không đủ nắng khỏe để “sát khuẩn”.

Sen đá bị nấm mốc
Sen đá bị nấm mốc

Các bước lưu ý để chăm sóc sen đá

Bước 1: Chọn sen đá khỏe mạnh và phù hợp

Khi mua cây hãy chọn lựa thật kỹ, lựa những cây mập mạp, lá khít hoặc bạn có thể nhờ các nhân viên tại shop lựa chọn giúp nếu chưa có kinh nghiệm về sen đá. Bạn cũng có thể mua thêm đất và chậu về tự trồng. Khuyến khích bạn nên tự mình khám phá nếu là người mới. Vì trong quá trình quan sát chúng lớn bạn sẽ cảm nhận được cây của mình thật sự cần gì.

Nếu điều kiện thời tiết chênh lệch, nên để cây nơi thoáng mát để thích nghỉ với môi trường rồi sau đó mới thay loại đất trồng phù hợp. Mọi loại cây đều có khả năng thích nghi nhưng phải tùy vào độ khỏe mạnh của chúng để quyết định được thời gian chúng hoàn toàn sinh trưởng được một cách bình thường.

Bước 2: Dùng loại đất phù hợp cho cây sen đá bạn chọn

Hãy luôn nhớ rằng mọi thứ bạn chọn đều cho cây sen đá xinh đẹp. Vì thế hãy dùng loài đấy phù hợp nhất. Hãy dùng thêm tro trấu, sỉ than, phân bò… giúp cho đất có đủ khả năng thoát nước tốt và cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cây. Hãy dải lượng sỏi vừa phải lên trên nếu bạn thích còn tốt nhất nên hạn chế việc này để đất có thể khô nhanh hơn.

Bước 3: Chọn chậu cho cây

Đặc biệt lưu ý đến việc chậu có khả năng thoát nước tốt hay không, có lỗ thoát nước hay không, chất liệu của chậu có hỗ trợ đất mau khô thoáng hay không? Bạn nên chọn các loại chậu đất nung thay vì chậu sứ hay thủy tinh, kim loại. Nếu bạn có nỡ tưới quá nhiều nước thì chậu đất nung cũng sẽ giúp bạn một tay.

Gợi ý một vài đặc điểm của cây sen đá mạnh khỏe

Các cây giống khỏe thường có thân cứng hơn, lá mọng nước, màu lá đậm, có thể có gai… Chúng thường là giống chịu được hoàn cảnh khắc nghiệt chịu hạn tốt, thích nghi nhanh với môi trường. Một số loài như: sen đá nâu, các loại sen đá móng rồng, sen xanh, sen ngọc, sen kim cương… có sức sống khá bền bỉ.

Sen đá
Sen đá

Còn các loại cây thân mềm, màu sắc sặc sỡ, nhiều phấn… thường không chịu nóng kém, đồng thời chăm sóc cẩn thận hơn. Các loại sen thơm, sen phật bà, các loại sedum,… cần bạn quan tâm nhiều hơn.

Những cây màu xanh thường cần ít nắng nên bạn có thể đặt chúng thường xuyên ở trong nhà. Còn đối với các cây sen đá có màu để giữ được màu cho chúng nên để chúng được phơi nắng mỗi ngày. Cây thiếu nắng sẽ xuất hiện những dấu hiệu như thân vươn dài, lá mỏng và nhợt nhạt, vô cùng thiếu sức sống.

Không khó để thấu hiểu sen đá, chỉ cần bạn chú tâm đến chúng ngay từ lúc trồng là có thể chăm sóc một cách bình thường. Quan sát kỹ lưỡng là bạn sẽ thấy đường đi nước bước của mọi thứ một cách nhanh chóng mà thôi!

Kết

Hy vọng những chia sẻ của một người từng trải qua thời gian buồn bã vì chứng kiến cây sen đá thân yêu của mình chết yểu sẽ  giúp được các bạn có lại niềm tin vào việc chăm sóc sen đá. Theo tôi, mọi điều đều nên bắt đầu bằng việc tìm hiểu, rồi thử và quen. Chúc bạn có thật nhiều chậu sen đá tươi tốt và giữ được tình yêu với việc trồng cây.

Bình luận bài viết

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *